Bàn chân Giao Chỉ
Lê Bá Đảng say mê “Bàn chân Giao Chỉ”, biết bao nhiêu tranh, tượng của ông đã chỉ khắc tạc một bàn chân, bàn chân Giao Chỉ.
Tương truyền Lạc Long Quân gặp Âu Cơ, tiếng sét ái tình, Long Quân đem Âu Cơ về trốn ở động Hàm Rồng, Thanh Hóa. Âu Cơ sinh một bọc trăm trứng, nở ra trăm con trai, 50 người theo cha xuống biển miền duyên hải, 50 người theo mẹ về Lục quốc, xây dụng nước Văn Lang ở vùng Phong Châu, Việt Trì. Theo sát huyền thoại mẹ, “Bàn Chân Giao Chỉ” của Lê Bá Đảng dẫn vào không gian mây nước giao hòa, ông như muốn tái tạo lại hành trình từ mây nước trờ về đất nước và từ đất nước sinh ra con người, rồi con người lại trở về với mây nước.
Tác phẩm điêu khắc “Bàn chân Giao Chỉ” của ông chính là thay lời muốn nói. Bàn chân khắc khổ hao hao hình đất nước. Thấp thoáng những người mẹ còng lưng, những người vợ tần tảo mòn mỏi chờ chồng. Bàn chân Giao Chỉ đó dù đi đâu vẫn nhớ về một quê hương. Những người lao động sinh ra từ làng quê nghèo, sinh ra lớn lên trong một đất nước thuộc địa, phải chịu nhiều khổ cực. Màu nâu đất cũng như đường vân gỗ như bàn chân xạm nắng gió, lấm bùn, ngày đêm vất vả vì miếng cơm manh áo. Phảng phất một nỗi nhớ, một nỗi đau.