Chiến tranh
Năm 1954, ông đã vẽ một loạt những tác phẩm bằng mực tàu và màu nước về quê hương đất nước. Hàng loạt những tác phẩm trên giấy miêu tả cảnh chiến tranh Đông Dương, đặc biệt là trận chiến Điện Biên Phủ bằng trí tưởng tượng và tấm lòng của người con xa quê luôn hướng về cuộc chiến tranh chống giặc của quân dân Việt Nam khi đang sống ở Paris trên đất Pháp. Những gam màu hiện hữu nhưng chứa đầy tâm trạng phức tạp của con người nặng lòng với quê hương, những gam màu mạnh mẽ gợi về những con người đi ngược đi xuôi trên hành trình của quê hương, le lói những tia hạnh phúc của người nào đó đi hết con đường và chợt bắt gặp “ngôi nhà của mình”.
Năm 1965, bộ sưu tập “Hậu quả chiến tranh” ra đời bởi tình thế giặc giã trên quê hương đã dẫn ông đến hình ảnh đồng bào đau khổ bị bọn giặc hung tàng, ồ ạt kéo đến giết hại, đốt phá nhà cửa, ruộng vườn. Trong hoàn cảnh đó, ông chỉ có thể dùng giấy, bút, sơn cọ, màu sắc làm vũ khí chống giặc và lên án chiến tranh. Chiến tranh đã để lại những đau thương, mất mát cả về thể chất lẫn tinh thần mà người dân phải gánh chịu, tất cả những hình ảnh đó được Lê Bá Đảng lột tả dưới cái nhìn chia sẻ đầy tính nhân đạo.
Giữa những năm 1969- 1973, ông cho ra đời bộ sưu tập tranh và tượng điêu khắc “Phong cảnh bất khuất” (Đường Mòn Hồ Chí Minh) về chủ đề chiến tranh Việt Nam. Những bức họa đen trắng theo lối Chu Ta nhưng với một phong cách sống động hơn, nơi mà người ta nhìn thấy sự chuyển động của ngòi bút, tiêu biểu là phong cảnh trừu tượng của đường mòn Hồ Chí Minh được đánh dấu bởi một đường chỉ đỏ. Tả con đường từ Bắc chí Nam, trong rừng sâu hiểm trở, trên núi dưới đèo, bom đạn liên miên, khí hậu thất thường, mọi thứ đều chống lại con người, nhưng lòng người vẫn sắt đá, mạch máu hồng vẫn hồn nhiên xẻ lối đưa đường để tìm cách sống, tìm cách chiến thắng kẻ thù.