TRUNG TÂM NGHỆ THUẬT
LÊ BÁ ĐẢNG

page-title-logo

VÀI KỶ NIỆM VỀ LÊ BÁ ĐẢNG

VÀI KỶ NIỆM VỀ LÊ BÁ ĐẢNG

Tháng Năm 5, 2018 Posted by Viết về Lê Bá Đảng

Tô Nhuận Vỹ

Lê Bá Đảng còn rất khỏe và minh mẫn. Năm kia,vợ chồng tôi cùng anh đi nghỉ vài ngày tại khu du lịch Lăng Cô. Buổi sáng, nhìn ông già 82 tuổi bơi như cá kình ngoài biển mà “ớn sườn” cho sức lực của mình quá. Tôi chú ý thì trong việc sáng tạo của anh, có thể do sinh ra tại một vùng quê nghèo, thường xao xác khô cháy mỗi mùa gió Lào, xuất thân ngày ra đi của anh là một lính thợ và cái nghèo khó đến mức không có tiền mua thuốc để chữa bệnh cho đứa con đầu lòng những ngày lạnh giá năm xưa tại nước Pháp, và chỉ nhờ bức vẽ con mèo mà tai qua nạn khỏi đối với gia đình anh, có thể là từ đầu là như thế, nên anh rất hay làm, hay nối đến và tạo ra những hạt gạo làng quê, bàn chân giao chỉ, vườn xanh, cây lá… “Phải làm cái gì mà thằng Tây không có, chỉ của riêng nước mình”. Và bao giờ sáng tạo của anh cũng phải đi đôi với việc thu lại đồng tiền tương xứng với công sức bỏ ra. Nhiều người  nói anh chị rất giàu vì tranh của anh bán ra khắp thế giới và rất có giá. Tôi không chú ý và không biết điều đó. Chỉ biết rằng, lần anh về làng năm 1992, cả làng Bích La của anh  ba ngày không đỏ lửa để đến ăn cơm nhà anh do anh chị mời và dịp đó anh bày tranh ở đình làng, treo trên hàng rào, móc ở cành cây… cho bà con cô bác cả đời chưa một lần lên thành phố xem tranh bao gời xem. Và ai ai cũng khen “Chú Đảng hay thiệt!” Mà không khen sao được, anh bỏ tiền xây trường học, trạm xá, đường làng. Anh xây ngôi nhà nhỏ mà đầy đủ tiện nghi để có thể là nơi làm ra các mẫu sản phẩm nghệ thuật đưa đi chào, ngay trên mảnh đất của cha mẹ anh. Hôm ra dự khánh thành khu nhà, tôi bần thần khi anh chỉ vào một gốc trầu xù xì mà anh vun xới lại nên vẫn còn ra lá tươi tốt:

– Gốc trầu ngày xưa mạ tôi vẫn hái ăn cau trầu đó – rồi anh chỉ vào các viên đá xanh, tròn chất ngay cạnh – đó là mấy hòn đá kê cột nhà tôi ngày xưa, sẽ dùng lại nó đấy!

Anh nói năng bộc trực, dân dã.Cứ mở miệng ra là “tôi là thằng nhà quê”.Ăn thì thích nhất về làng để cô em dâu, năm nay cũng hơn 70 tuổi rồi, nấu cho ăn những món ăn nhà quê và theo cách nhà quê mà anh luôn hít hà  “Cô em tôi nấu ăn ngon không ai bằng!”. Anh cũng có những bức xúc với trong nước. Anh đã thổ lộ với tôi không chỉ một lần:

– Tôi đã làm bao nhiêu việc giúp phái đoàn mặt trận của bà Bình lúc hò đàm, mới được tặng huân chương và cái bằng khen cờ nửa xanh nửa đỏ treo ngoài nhà mà anh đã thấy đó; đi bảo vệ cụ Hồ khi cụ qua Pháp năm 1946, vậy mà sau giải phóng về nước cứ bị một số người hiểu này, hiểu kia…

Nhưng đáp lại là sự mong mỏi của anh em văn nghệ, của cả những người hiểu biết nhất trong chính quyền, nhưng cái chính là tấm lòng luôn hướng về quê cha đất tổ của anh, Lê Bá Đảng lại về bày tranh, bày một cách hoành tránh trong Festival Huế 2002 – 2004, bày ngay tại bảo tàng Hồ Chí Minh do anh chọn. Và ngày10.6.2006, Trung tâm nghệ thuật Lê Bá Đảng đã khánh thành tại số 15 Lê Lợi, toà nhà đẹp nhất bên bờ sông Hương, toà nhà mà Thừa Thiên Huế đã từ chối lời đề nghị trước đó để thành lập Trung tâm Văn hoá của một cường quốc mà dành trọn cho Lê Bá Đảng. Đây là Trung tâm nghệ thuật đầu tiên của một cá nhân người Việt ở nước ngoài có mặt ở Việt Nam, sau Nhà trưng bày nghệ thuật Điềm Phùng Thị, nhưng hoành tráng, thoáng rộng hơn.Trung tâm được giao toàn quyền cho Lê Bá Đảng điều hành. Tại buổi khai trương, Lê Bá Đảng ký giấy tặng nhân dân Thừa Thiên Huế 108 tác phẩm trưng bày đợt một trong toà nhà và trong hai năm 2007 – 2008 Lê Bá Đảng sẽ chuyển tiếp hàng trăm tác phẩm từ Paris về để mở rộng Trung tâm và cùng tỉnh triển khai xây dựng khu nghệ thuật lớn khác tại phía Tây Huế.

Share

CÁC CUỘC TRIỄN LÃM KHÁC